Ngày 8/10, công viên Hòa Bình nằm ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội sẽ được gắn biển "Công trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội". Bức tranh Thủ đô ngày càng khang trang hơn bởi sự đóng góp của hệ thống các công viên cây xanh. Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được nâng cao, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ hướng về một thành phố vì Hoà Bình.
Trong cách nhìn và suy nghĩ của những người nước ngoài, Hà Nội không chỉ giữ dáng vẻ của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, đã kinh qua nhiều khói lửa đạn bom, mà còn là một thành phố năng động, hiện đại, yêu chuộng hòa bình.
Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội vinh dự được UNESCO - Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình”. Để tạo dựng một biểu tượng của Thủ đô, thành phố đã quyết định xây dựng công viên mang tên Hoà Bình rộng trên 20ha, tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Vào thời điểm này, các hạng mục của công trình Công viên Hòa Bình đã hoàn thành. Vào mỗi buổi chiều, người dân đã có thể dạo bước trên các con đường của công viên, tập thể dục để hưởng không khí trong lành.
Chị Nguyễn Thị Thắm làm việc tại Công ty công trình giao thông 810 bày tỏ vinh dự, tự hào khi được tham gia thi công công trình. Điều đó, khiến tất cả mọi người ở đơn vị đều nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng.
Đã 4 tháng nay, anh Bùi Đức Nhị thuộc Công ty TNHH Nước Nghệ Thuật Liên Hoàn Mỹ liên tục bám công trường để thi công phần bơm nước tự động và phun nước nghệ thuật. Anh Nhị cho hay, quê anh ở Quảng Ngãi. Ngày mới ra Hà Nội, anh còn nhiều bỡ ngỡ về đường đi lối lại, đặc biệt rất nhớ nhà. Nhiều ngày, gắn bó với Thủ đô, anh cảm nhận được tình cảm nồng hậu của người dân. “Người dân Thủ đô rất nhiệt tình, tốt bụng. Họ tận tình chỉ đường mỗi khi tôi phải đi liên hệ công việc với đối tác…” - anh Nhị cho hay.
Anh Nguyễn Công Cường, nhà ở xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cho biết: “Người dân địa phương sẵn sàng nhường đất cho dự án Công viên Hoà Bình vì một mục tiêu chung”.
Khi tiến hành thiết kế công viên Hòa Bình, yêu cầu của chủ đầu tư đối với các kiến trúc sư là các hạng mục công trình trong công viên sẽ được thiết kế, quy hoạch như thế nào để nêu bật được ý nghĩa “Hòa Bình” như tên gọi của công viên.
Và rồi, bức tượng bà mẹ bế con cùng đàn chim bồ câu đang bay đã được lựa chọn là điểm nhấn của công viên. Bức tượng bằng đồng cao 7,2m, đặt trên đế bê tông cao 22,8m. Tượng đài Hoà Bình được đặt ở phía Nam, gắn kết với không gian cây xanh, vườn tiểu cảnh ở các phía Đông, Tây, Bắc và trung tâm, tạo thành một chỉnh thể thống nhất về ý tưởng và hình thức thể hiện. Từ xa đến gần, ai cũng thấy vẻ bình yên trên khuôn mặt người mẹ đang bế đứa con. Đàn chim bồ câu nối đuôi bay theo nhau, “hòa bình sẽ nối tiếp hòa bình”.
Khác với các công viên ở Thủ đô, những lối ra vào chính của công viên, không xây dựng cổng, mà dựng các biểu tượng tạo điểm nhấn kiến trúc. Cổng chính phía Bắc, lùi khoảng 40m mở lối vào và tạo đảo cây xanh theo thảm. Tại đây, các họa sĩ và kỹ sư xây dựng lắp ghép các thanh thép và bê tông để tạo nên mô hình chim Lạc hướng ra đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đứng trên cao nhìn xuống, chim Lạc cùng với hồ nước tạo thành chữ tiếng Anh: “No War” - (Không chiến tranh).
Ở cổng phía Nam và phía Đông, bố trí hình biểu tượng chim bồ đang bay, cùng với những thanh sắt có năm màu khác nhau, biểu trưng cho năm châu với sự đoàn kết, vì hòa bình và ổn định.
Phía bên trong công viên, có hồ điều hoà diện tích 5,4ha với chức năng điều tiết nước và tạo cảnh quan. Cạnh đó là các khu vực vui chơi giải trí kết hợp với các công trình phụ trợ, dịch vụ, lưu niệm, chòi nghỉ, bãi đỗ xe được bố trí hài hoà thống nhất trong cảnh quan cây xanh, hồ nước, với các khu vực đào đắp hồ, gò, hình thành các khu vực mềm mại sống động gần gũi với thiên nhiên.
Các công trình kiến trúc trong dự án có chiều cao không lớn, với giải pháp thiết kế sử dụng kiến trúc truyền thống Á Đông là những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể công viên.
Với Công viên Hòa Bình ở cửa ngõ phía Tây Bắc, thành phố lại thêm một công trình có ý nghĩa văn hóa, tô thắm bức tranh Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta. Người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng tự hào vì truyền thống yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc./.