Củ Chi là một huyện ngoại thành Thành Phố Hồ Chí Minh có diện tích trồng hoa lan khá lớn 167ha. Riêng xã Phước Hiệp có diện tích 13ha lan Mokara, Dendrobium, Tân Thạnh Tây có diện tích 2.3ha lan Mokara và Dendrobium. Nhờ cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, cho nên trong những năm gần đây diện tích hoa lan tại địa phương không ngừng phát triển. Tuy nhiên, nghề trồng hoa lan của huyện Củ Chi nói chung và 2 xã Phước Hiệp, Tân Thạnh Tây nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, công nghệ trồng hoa lan còn lạc hậu, chủ yếu là trồng, chăm sóc bằng thủ công dẫn đến làm tăng giá thành sản xuất hoa lan, giảm lợi nhuận trong sản xuất, chính vì thế mà nông dân trồng lan tại địa phương rất cần ứng dụng cơ giới hóa để khắc phục tình hình trên.
Xuất phát từ nhu cơ giới hóa của nông dân trồng lan trên địa bàn xã Phước Hiệp, Tân Thạnh Tây. Trạm Khuyến Nông huyện Củ Chi xây dựng mô hình trình diễn: “Mô hình cơ giới hóa (hệ thống tưới phun) trong trồng lan” nhằm đạt mục tiêu:
- Đưa cơ giới hóa phục vụ nghề trồng lan nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao giá thành hạ.
- Tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng hoa lan tại địa phương trong thời gian tới.
- Thay đổi dần phương pháp chăm sóc thủ công truyền thống, giảm công lao động trong trồng và chăm sóc lan.
- Hiệu quả từ việc tưới tiết kiệm nước sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong tương lai, ứng phó biến đổi biến đổi khí hậu hiện nay.
Qua hơn 6 tháng thực hiện, trạm khuyến nông Củ Chi đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình cơ giới hoá hệ thống tưới phun trong trồng lan. Đến dự buổi hội thảo tổng kết có đông đủ bà con nông dân tham gia mô hình, bà con trồng lan tại xã Tân Thạnh Tây và các doanh nghiệp, cơ sở lắp đặt hệ thống tưới phun bán tự động cho vườn lan. Được biết mô hình này triển khai tại 2 xã Phước hiệp, Tân Thạnh Tây, quy mô 1500m2. Kết quả sau 6 tháng triển khai vườn lan các hộ sinh trưởng phát triển tốt, cho nhiều hoa, chất lượng hoa đạt yêu cầu của thị trường. Nhờ sử dụng hệ thống tưới các hộ tham gia mô hình giảm được lao động cho khâu tưới lan, ước tính mỗi năm tiết kiệm đươc số tiền hơn 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Quốc Thanh một nông dân tham gia mô hình cho biết: “Từ khi sử dụng hệ thống tưới tôi tiết kiệm được 50% chi phí tiền điện, lượng nước tưới cũng giảm trên 50% so với trước kia tưới bằng dây tưới, đỡ phải mướn 1 lao động tưới nước cho vườn lan, giúp tôi tiết kiệm được 12 triệu đồng mỗi năm”. Còn bà Bà Nguyễn Thị Nồng thì cho biết “Nhờ hệ thống tưới mà chi phí sản xuất lan của gia đình tôi giảm đáng kể , trước đây tôi làm ra một cành lan giá 2.800đ nay chỉ còn 2.000đ. Như vậy khi giá hoa lan có giảm sâu đến 3.000 đồng/ cành thì vườn lan của tôi vẫn trụ được”. Riêng ông Nguyễn Hải Đăng bộc bạch vườn lan của ông vấn đề nước gặp khó khăn do nguồn nước bị phèn, việc lọc nước tưới lan cũng rất tốn kém, nhưng nhờ hệ thống tưới ông cũng tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, từ đó giảm được chi phí trong sản xuất tại gia đình. Các công ty, cơ sở cung cấp, lắp đặt hệ thống tưới tham dự hội thảo tổng kết cũng tham gia ý kiến đồng thời trả lời một số câu hỏi của nông dân chung quanh vấn đề giá cả và bảo trì hệ thống tưới. Công ty TNHH một thành viên QLKTDVTL thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay giá lắp đặt một hệ thống tưới phun theo công nghệ ISRAEL cho vườn lan 500m2 khoảng 26 triệu đồng, hệ thống này đảm bảo tưới đủ ẩm độ cho vườn lan, nếu lắp hệ thống cho vườn lan lớn thì giá sẽ giảm. Cơ sở Cây Cảnh Thăng Long hướng dẫn nông dân khắc phục vòi phun bị nghẹt và bảo trì vòi phun, theo Cơ sở Cây Cảnh Thăng Long để khắc phục tình trạng này phải thường xuyên kiểm tra vòi phun, vòi nào bị nghẹt xử lý bằng cách thông bằng kim, thường xuyên vệ sinh hồ cấp nước và hệ thống lọc sẽ hoàn toàn khắc phục được tình trạng trên.
Chính quyền địa phương cũng cam kết hỗ trợ vốn vay cho bà con, bằng quỹ hỗ trợ nông dân và QĐ 13 để phát triển diện tích lan cũng như đầu tư hạ tầng trong đó có hệ thống tưới. Qua buổi hội thảo, bà con nông dân rất phấn khởi đề nghị ngành khuyến nông tiếp tục hỗ trợ bà con đầu tư hệ thống tưới cho vườn lan để giảm lao động trong khâu tưới, giảm chi phí trong sản xuất, tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng lan trên địa bàn. Sau buổi hội thảo có 2 hộ xin đăng ký tham gia mô hình hệ thống tưới trong năm 2015 của trạm khuyến nông và một số hộ trồng lan khác hứa sẽ đầu tư hệ thống tưới trong thời gian tới nhằm từng bước ứng dụng cơ giới trong nghề trồng lan, đưa nghề này phát triển theo hướng hiện đại.
Dương Văn Minh
Nguồn: Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh