Hệ thống nhạc nước phố đi bộ Nguyễn Huệ
Thời Pháp thuộc, đường Nguyễn Huệ chính là kênh đào Chợ Vải dẫn từ bờ sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng ngày nay) vào tận dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh). Kênh Chợ Vải là tuyến giao thông đường thủy để các tàu buôn cung cấp hàng hóa cho chợ Bến Thành cũ nằm bên bờ sông Bến Nghé và các tàu chở quân nhân vào thành được lưu thông dễ dàng. Dọc hai bờ kênh là hai con đường mà người Pháp đặt tên là Charner và Rigault. Năm 1887, Pháp cho lấp kênh và sát nhập hai con đường thành đại lộ Charner. Đầu đại lộ Charner (phía trước mặt trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh ngày nay) là địa điểm ban nhạc hải quân Pháp thường trình diễn vào những dịp lễ trang trọng. Đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ vào năm 1956 và trở thành con đường đẹp nhất Sài Gòn thời đó.
Hiện đường Nguyễn Huệ đã được nâng cấp, cải tạo thành phố đi bộ có chiều dài 670m, rộng hơn 60m, gồm 2 phần với điểm nối là vòng xoay Cây Liễu. Phần công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi) đặt tượng đài Bác Hồ bằng hợp kim đồng cao 7,2m, tư thế hướng mặt về sông Sài Gòn. Phía sau tượng đài Bác Hồ là tấm bia ghi sự kiện Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam Bộ ra mắt nhân dân thành phố sau thành công của Cách mạng tháng 8/1945. Công viên được bố trí hồ sen, 2 hàng sứ trắng cùng nhiều hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Phần quảng trường Nguyễn Huệ (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng) gồm một trục đường đi bộ ở giữa lát đá granite dày 10cm, hai bên là hai làn đường dành cho phương tiện lưu thông. Ngăn cách giữa trục đường đi bộ và hai làn đường là những hàng cây xanh xen kẽ các bồn hoa. Trên các hàng cây lắp đặt hệ thống phun sương mở vào giờ nhất định để làm mát không khí, ngăn bụi và tạo độ ẩm cho cây phát triển.
Điểm đặc biệt thu hút du khách và người dân tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ là hệ thống nhạc nước đặc sắc với kết hợp của nước âm nhạc và ánh sáng do Liên Hoàn Mỹ thiết kế và thi công. Mỗi khi hệ thống nhạc nước được vận hành, một cảnh tượng lung linh huyền ảo lại hiện lên. Những cột nước được phối màu ánh sáng trong như các vũ công nhảy múa. Tiếng nhạc hòa tiếng nước róc rách, lúc trầm lúc bổng mang nhiều cung bậc cảm xúc và rất gần gũi với thiên nhiên.
Hệ thống nhạc nước là một trong những điểm nhấn của phố đi bộ Nguyễn Huệ, nó càng tôn thêm vẻ đẹp của Sài Gòn hoa lệ, một công trình mang ý nghĩa xã hội văn hóa của thành phố. Liên Hoàn Mỹ rất tự hào đã góp phần tô điểm cho thành phố mang tên Bác.